31 12-2019
9258
TIỆC TẤT NIÊN CỦA NGƯỜI NHẬT DIỄN RA NHƯ THẾ NÀO?
Người Nhật có một truyền thống tương tự với người Việt vào dịp chuyển giao năm cũ – năm mới, đó là tiệc Bonenkai hay còn gọi là tiệc Tất niên. Trong khi người Việt thường ăn bữa cơm tất niên với gia đình, hoặc bạn bè thân vào ngày cuối cùng của tháng Chạp, người Nhật dành dịp này để ngồi cùng với các đồng nghiệp, những người đã cùng họ trải qua một năm làm việc khó khăn nhưng đầy nổ lực và cống hiến.
Từ thời xa xưa, tiệc Tất niên là dịp người Nhật cùng nhìn lại một năm đã qua, trao lời cảm ơn đến những người đã giúp đỡ họ trong năm vừa qua. Đến ngày nay mọi người vẫn giữ ý nghĩa truyền thống đó. Nhưng nó còn mang thêm một nét ý nghĩa khác. Bữa tiệc trở thành dịp để tất cả mọi người, đặc biệt là các bạn bè, đồng nghiệp cùng công ty tạm thời quên đi những căng thẳng, khó khăn trong năm cũ và để bắt đầu một năm mới thuận lợi hơn.
 
Ở Nhật vào những ngày cuối năm, không khí ở nhà và ở công sở đều vô cùng nhộn nhịp. Các công ty sẽ sắp xếp lịch làm việc để có thể tổ chức bữa tiệc ý nghĩa này cho toàn thể nhân viên.
 
 
Đồ ăn trong bữa tiệc không thể thiếu những món ăn truyền thống vào dịp chuyển giao này. Một phần là do thời tiết cuối năm ở Nhật Bản khá lạnh nên lẩu (nabe) thường được chuẩn bị. Mì kiều mạch Toshikoshi soba với sợi mì dai và dài tượng trưng cho sự trường thọ và sức khỏe dẻo dai. Đó cũng là lời cầu chúc phổ biến cho một năm mới.
 
 
Bạn cũng biết xã hội Nhật Bản rất coi trong tôn ti và các phép lịch sự. Các nhân viên luôn phải tuân thủ những quy tắc về lễ nghi trong khi giao tiếp với đồng nghiệp, đặc biệt là cấp trên của mình nơi công sở nhưng trong ngày cuối cùng của năm người Nhật cho phép mình quên đi mọi công việc, cùng trò chuyện và ăn uống thoải mái với nhau, thậm chí họ cho phép mình được uống say.
 
 
Nếu bạn uống ly rượu đầu tiên trước khi mọi người nói “kampai” (nâng ly) thì sẽ coi là thiếu lịch sự . Vì vậy, bạn nên đợi cho đến khi tất cả mọi người bắt đầu uống.
Phép lịch sự còn thể hiện qua việc rót rượu cho người khác. Nếu thấy ai đó với một cái ly rỗng, bạn nên rót rượu cho họ và nhớ rằng nên giữ chai rượu bằng cả hai tay. hãy nâng ly lên bằng cả hai tay để nhận nó.
 
 
Cuối cùng, sau một năm vất vả với bao nhiêu bận rộn cho dù là ai, đi đâu và làm gì chăng nữa thì ai cũng cần có nơi để tìm về, không đâu hơn chính là mái ấm gia đình với bữa cơm sum vầy và tặng nhau những lời chúc tết ý nghĩa nhất. Hãy cùng ESUHAI- KAIZEN đón một năm mới đầy năng lượng nhé!