26 12-2019
10390
NHẬT BẢN VÀ NGÀY TẾT CỔ TRUYỀN
Nhật Bản là một quốc gia duy nhất ở châu Á đón Tết theo lịch dương. Người dân Nhật đã sử dụng lịch của người Trung Quốc, tức là lịch âm giống như nhiều quốc gia châu Á khác. Nhưng từ ngày 01 tháng 01 năm 1873 chính phủ Nhật Bản quyết định điều chỉnh lễ hội đón năm mới của họ theo lịch mới, tức là đón Tết vào ngày 01 tháng 01 hàng năm theo lịch dương - lịch của người châu Âu.
Vì sao chính phủ Nhật lại quyết định đón Tết theo lịch dương?
Lý do đầu tiên là: từ xa xưa cho đến năm 1946, chính phủ Nhật Bản luôn độc quyền việc lựa chọn lịch nào là lịch quốc gia. Vì vậy khi chính phủ quyết định thay đổi lịch, người dân Nhật Bản phải tuân theo. 
Lý do thứ hai là việc thay đổi lịch đã giúp chính phủ không phải trả khoản lương tháng thứ 13 cho công chức, vì tính theo lịch cũ thì có tháng 6 là tháng nhuận. Đón Tết theo lịch mới giảm được ngày nghỉ, tăng sản lượng lao động quốc gia.
Ngoài ra, có một lý do khác là vào thế kỷ 19, Nhật Bản đã phải đối mặt với nhiều vấn đề lớn như tình hình thế giới lúc đó các nước phương Tây đang tìm cách mở rộng đô hộ các nước nhỏ. Nhật Bản nhận thấy rằng phương Tây đã phát triển vượt bậc so với châu Á khi chứng kiến những chiếc tàu màu đen của Hải quân Mỹ ghé thăm cảng Uraga vào tháng 7/1853. Để tránh bị đô hộ, Nhật Bản cần thoát khỏi ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc và phải vươn mình trở thành một quốc gia hùng mạnh. Nhật Bản muốn đuổi kịp phương Tây và đứng trong hàng ngũ các nước văn minh trên thế giới.
Vì vậy, việc thay đổi lịch truyền thống sang dương lịch, thay đổi thời gian đón Tết cổ truyền sang Tết dương lịch cũng như phương Tây hóa nền văn hóa là cách để Nhật Bản trở thành một cường quốc phát triển giống phương Tây. 
 
 
Ngày nay, người dân Nhật Bản đã không còn đón Tết cổ truyền. Nhưng ở một số vùng như đảo Kago, Okinawa, Amami người dân vẫn duy trì phong tục đón Tết theo lịch âm. 
Người dân Nhật Bản vẫn tin rằng vào ngày này để chào đón vị thần Toshigami-sama đến nhà, nhà cửa phải được vệ sinh sạch sẽ.
 
 
Sau đó, người dân Nhật sẽ tiến hành trang hoàng nhà cửa.Phụ nữ Nhật Bản sẽ vào bếp chuẩn bị các món ăn cũng như làm bánh Tết. Các món ăn làm trong dịp Tết có nguyên liệu như rễ cây ngưu bàng, trứng cá, khoai lang, tảo, hạt dẻ, cá khô. Đây là những món ăn đơn giản, mang ý nghĩa cầu mong mọi sự tốt lành.
 
 
Đêm 30 Tết, cả gia đình sẽ ăn bữa tiệc tất niên. Đến thời khắc giao thừa, các ngôi chùa thiêng sẽ điểm 108 hồi chuông. Người Nhật tin rằng những tiếng chuông này sẽ giúp họ xua đuổi 108 con quỷ sứ. Người Nhật tin rằng thần Toshigami-sama sẽ truyền sinh lực vào bánh Tết, nên sau khi cúng thần chiếc bánh này sẽ được chia ra cho mọi thành viên trong gia đình thưởng thức.
 
 
Đối với người Nhật, xuất hành đầu năm là một việc trong đại. Họ thường ưu tiên đi lễ chùa cầu may. Mỗi năm có một hướng tốt nên người Nhật sẽ đi lễ chùa theo hướng của năm đó. Khi vào chùa mọi người phải rửa tay và súc miệng trước, sau đó mới được hành lễ.
Từ mùng 1 Tết, người Nhật sẽ đi chúc Tết cấp trên, bạn bè, họ hàng thân thích. Người đi chúc Tết sẽ ghi địa chỉ vào cuốn sổ, mang ý nghĩa là đã đến thăm nhà. Người Nhật cũng có phong tục lì xì cho trẻ con như các nước châu Á khác.
 
 
Một nét đặc sắc trong phong tục đón năm mới của người Nhật là tặng thiệp mừng năm mới. Người Nhật rất chịu khó viết thiệp chúc mừng gửi đến bạn bè, họ hàng.. Bưu điện Nhật Bản sẽ giữ thiệp và chuyển phát đến người nhận đúng vào ngày mùng Một Tết.
 
 
Công sứ Suzuki nói rằng con người chỉ có sức mạnh khi họ đoàn kết, và cộng đồng đóng vai trò quan trọng để đoàn kết mọi người. Đây chính là lý do nhiều người Nhật Bản muốn khôi phục lễ hội đón Tết cổ truyền, với mong muốn làm tăng sức mạnh cộng đồng.
 
Như vậy chúng ta có thể thấy để trở thành một nước công nghiệp phát triển, Nhật Bản đã thay đổi lịch quốc gia theo phương Tây. Tuy nhiên, họ vẫn giữ được những nét văn hóa truyền thống khi tổ chức đón Tết hàng năm. Thậm chí một số địa phương người Nhật vẫn tổ chức các lễ hội đón Tết theo âm lịch. Tết cổ truyền là nét văn hóa, là bản sắc dân tộc không thể nào mất đi.
 
Nguồn tổng hợp