10 03-2020
16318
NHẬT BẢN ĐẾN VÀ YÊU
Một tôi với những ngày tháng còn xanh non với tiếng Nhật. Một tôi mang trong mình ước mơ và khát khao đi Nhật. Một tôi đầy ấp với những trải nghiệm đáng nhớ ở Nhật. Một tôi với đầy ấp những trải nghiệm đáng nhớ ở Nhật. Một tôi chất chứa biết bao tâm sự, xúc cảm, hoài niệm. Trích ‘Nhật Bản đến và yêu” – Dương Linh
Hai diễn giả với những câu chuyện chân thành, thú vị nhưng không kém phần hài hước tại buổi giao lưu ‘Nhật Bản đến và yêu” được tổ chức ngày 9/3/2020 đã truyền nguồn năng lượng tích cực tới tất cả các học viên lớp DHS sau thời gian dài nghỉ Tết và tránh đại dịch bệnh Covid-19. 
 
Với kinh nghiệm sống, học tập và làm việc gần 10 năm bên Nhật, chị Dương Linh đã bắt đầu câu chuyện du học của mình bằng những chia sẻ xương máu từ những ngày bắt đầu làm quen với tiếng Nhật, đến khi ra mắt cuốn sách đầu tay “Nhật Bản đến và yêu” và hành trình làm việc tại các môi trường giáo dục của Nhật. Các bạn học viên chăm chú lắng nghe những câu chuyện thực tế, như được thức tỉnh bởi chính những câu hỏi chưa tìm được câu trả lời: “Sang Nhật du học với mục đích gì?”, “ Mình sẽ là ai sau 3 năm, 5 năm, 10 năm nữa?”...
 
 
Hai từ khóa đã giúp cho chị Dương Linh sống tự tin và tràn đầy sức sống khi ở Nhật đó là bài học về từ愛- Tình yêu (Được ghép từ hai chữ mở đầu bảng chữ cái tiếng Nhật là 「あ」 và 「い」) và từ 恩- Ân, mang nghĩa tri ân, cám ơn (Được ghép từ chữ 「お」 kết thúc hàng nguyên âm và chữ「ん」 – chữ cuối cùng trong bảng chữ cái). Hãy đến Nhật bằng tình yêu, bằng chính sự đam mê nhiệt huyết dành cho tương lai khi xác định Nhật thực sự là một điểm đến phù hợp. Nếu bạn biết YÊU con đường bạn chọn, bạn đã thành công một phần. Ngoài ra, tinh thần yêu nước, yêu quê hương, luôn biết ơn đấng sinh thành, luôn kính trọng thầy cô cũng sẽ giúp cho bạn có được những định hướng tốt đẹp cho những bước đi trong tương lai. 
 
Rất khó có thể thành công tuyệt đối nếu có đam mê, có nhiệt huyết nhưng thiếu lòng kiên nhẫn. Bản thân mỗi người cần phải nghiêm khắc với chính mình. Mỗi lần chùn bước, nản lòng hãy nhớ lại mục tiêu những ngày đầu tự chúng ta đã đề ra. Đừng dằn vặt mình khi so sánh với người khác. Quan trọng bản thân mình của ngày mai khác với hôm nay, đó đã là dấu hiệu của sự trưởng thành rồi. 
 
 
Nếu như chị Dương Linh tiếp cận câu chuyện của mình với lối nói chuyện giản di, gần gũi thì câu chuyện của vị khách mời đặc biệt thứ 2 - Giám đốc Công ty ESUHAI, Hiệu trưởng Kaizen Yoshida School, thầy Lê Long Sơn lại mang tới cho hội trường một hơi thở hoàn toàn khác. Đó là sự thông minh của một người am hiểu nhiều kiến thức biết cách dẫn dắt người nghe vào câu chuyện của mình. Là sự logic của một người học kỹ thuật với lối tư duy lập luận khúc chiết. Là sự tinh tế, sâu sắc của một người đầy trải nghiệm...Nhưng trên hết là sự nhiệt huyết, là cái TÂM của người làm giáo dục thật sự. 
 
 
NỤ CƯỜI đã trở thành thương hiệu của ESUHAI. Không chỉ ở khuôn miệng, nụ cười còn được thể hiện qua ánh mắt, qua cách người ta tương tác, nói chuyện với nhau. Đặc biệt, trong thời đại 4.0 khi tất cả mọi người đều chỉ cần một chiếc điện thoại là có giao tiếp thì sự tương tác trực tiếp ngày càng giảm. Thông qua lời dạy của Thầy, nếu muốn trở thành một con người văn minh, và phát triển thì ngay từ bay giờ, chính bản thân mỗi chúng ta cần học tập tích cực, sống và làm việc hết mình, luyện tập thể dục thể thao… duy trì thói quen giao tiếp, chia sẻ thông tin hàng ngày. 
 
 
Đặc biệt, Thầy Long Sơn nhấn mạnh hai từ DU HỌC đang ngày một bị biến tướng.  Đến với chương trình Du học của ESUHAI là THỰC HỌC. Du học Không phải là sang Nhật ngắm hoa anh đào, núi Phú Sĩ..., là những ngày gật gù trên lớp rồi tối đầu tắt mặt tối đi làm thêm đóng tiền học phí, trả nợ... DU HỌC thật sự phải là “lưu lại, ở lại Nhật một thời gian để học. Học say mê, học miệt mài, học lấy những tinh hoa trong văn hóa, kỹ thuật của người Nhật”, đúng với bản chất của từ 留学生- “LƯU HỌC SINH” trong tiếng Nhật. Cùng xuất phát điểm là một LƯU HỌC SINH, thầy Long Sơn hiểu ơn ai hết để có được thành công như ngày hôm nay, không gì ngoài mục tiêu rõ ràng và nỗ lực đến cùng trong việc học. Thầy đã thẳng thắn chia sẻ về thực trạng và sự gắt gao của Cục xuất nhập cảnh Nhật Bản dành cho đối tượng du học sinh. Cùng những kinh nghiệm quý báu của mình, thầy cũng đã tư vấn về việc chọn trường, chuyên ngành,...khơi gợi trong tâm khảm mỗi học viên biết mình thích gì, muốn học gì, muốn làm gì.
 
 
Tuổi trẻ cho phép ta có quyền thất bại, vấp ngã nhưng sẽ thật may mắn khi vào những ngày còn chập chững, loay hoay với tương lai chúng ta gặp được những người dẫn đường và truyền cảm hứng tuyệt vời. 
 
Cám ơn Thầy Lê Long Sơn và chị Dương Linh về những chia sẻ vô cùng ý nghĩa.
 
Chúc cho các học viên của lớp DHS Kaizen cũng sẽ sớm có một “Nhật Bản đến và yêu” của riêng mình. 
 
Du học Nhật Bản Esuhai - Kaizen